Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tập thể

Cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trong thanh niên là chủ đề của cuộc tọa đàm do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức vào sáng qua 23.9, tại Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Buổi tọa đàm có sự tham dự của đại diện ban ngành của tỉnh, cán bộ đoàn và 18 mô hình THT, HTX trong thanh niên ở 9 địa phương trong tỉnh.

Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã tại Nam Giang – Ảnh: V.A

Trải nghiệm làm kinh tế

Anh Hoàng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn (chủ trì buổi tọa đàm) cho biết, tính đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có gần 500 mô hình kinh tế trong thanh niên, gồm 58 HTX, 76 THT, 45 doanh nghiệp và 289 mô hình.

Các mô hình đã góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế trong thanh niên cũng gặp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách, kinh nghiệm quản lý, đầu ra sản phẩm, quy mô manh mún…

“Buổi tọa đàm là hoạt động cụ thể của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nhằm cụ thể hóa chủ đề năm 2021 được Trung ương Đoàn chọn là “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Qua đây tạo cơ hội cho thanh niên, cán bộ đoàn chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, hiệu quả trong xây dựng, phát triển kinh tế, đồng thời đề xuất cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc” – anh Thanh nói.

Tại tọa đàm, anh Huỳnh Thế Toàn – Phó Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc kiêm Tổ trưởng THT chăn nuôi dúi, đã chia sẻ về những thành công bước đầu cũng như kinh nghiệm trong xây dựng THT này. Thành lập từ năm 2019, THT đến nay có 15 tổ viên trong và ngoài huyện tham gia, hoạt động theo quy chế. Hàng tháng, THT định kỳ sinh hoạt 1 lần ở từng tổ viên để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong cung cấp giống, tìm đầu ra sản phẩm.

“Để duy trì, kết nối tổ viên, bản thân là tổ trưởng đồng thời cán bộ huyện đoàn, tôi thường xuyên tìm kiếm, cập nhật cơ chế chính sách để hỗ trợ, thông tin cho tổ viên. Từ đó tạo sự gắn kết, tương trợ trong THT, nhất là lúc khó khăn. Như năm 2020, do ảnh hưởng mưa lũ, đàn dúi một số tổ viên bị thiệt hại, anh em trong THT đã đóng góp giống, tiền mặt để giúp họ gầy dựng lại” – anh Toàn nói.

Chia sẻ về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt và trứng gà ác, anh Lâm Phụng Điệp – Giám đốc HTX Nông nghiệp thanh niên Bình Phục (Thăng Bình) cho biết: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, HTX được tham gia các hội chợ, diễn đàn, tọa đàm để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm đầu ra sản phẩm.

Đến nay, sản phẩm thịt và trứng gà ác của HTX có đầu ra ổn định theo hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, tiêu thụ qua mạng xã hội với địa bàn được mở rộng ra các tỉnh, thành phố.

Hiện trung bình mỗi ngày HTX bán hơn 100 con gà thịt và 1.000 trứng, doanh thu năm 2020 hơn 2,5 tỷ đồng. Chúng tôi muốn mở rộng trang trại, tuy nhiên vướng thủ tục về cấp phép, môi trường, xây dựng lò giết mổ… HTX mong được kết nối, học hỏi kinh nghiệm và nhận sự hỗ trợ” – anh Điệp chia sẻ.

Buổi tọa đàm còn ghi nhận tham luận của các mô hình kinh tế hiệu quả đến từ thanh niên huyện Tiên Phước, Hiệp Đức và Tổng đội Thanh niên xung phong.

Chia sẻ và đồng hành

Đại diện các ban ngành của tỉnh như Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Ngân hàng Chính sách xã hội, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đều đánh giá cao sự thiết thực trong cách tổ chức, lựa chọn địa điểm tọa đàm; đồng thời chia sẻ, thông tin về các chính sách hỗ trợ, nhất là nguồn vốn vay đến thanh niên.

Ông Nguyễn Hữu Ngộ – Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam cho biết: “Tôi rất mừng vì ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế tập thể. Đây là lực lượng quan trọng để vực dậy lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn thanh niên, tổ chức đoàn phát triển hiệu quả THT, HTX, nhất là các thủ tục vay vốn”.

Các đại biểu tham dự tọa đàm thăm quan các mô hình kinh tế của Tổng đội Thanh niên xung phong tại Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ – Ảnh: V.A

Theo ông Ngộ, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp bộ đoàn trong tuyên truyền các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, mới nhất là Nghị quyết 25 của HĐND tỉnh và Quyết định 2406 của UBND tỉnh.

“Các chính sách hỗ trợ THT, HTX của tỉnh khá đầy đủ, trong đó có nguồn vốn vay. Thanh niên có thể tiếp cận qua nhiều kênh, mỗi kênh có yêu cầu, mức độ khác nhau, cần hiểu để lựa chọn, tiếp cận phù hợp với mô hình lựa chọn”.

Đại diện Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thì cho rằng, việc “đào sâu” nghiên cứu các chính sách, cơ chế phát triển kinh tế của thanh niên dường như còn hạn chế. Trong khi nhiều chính sách đã được ban hành, trong đó có hỗ trợ HTX, phát triển sản phẩm OCOP, liên kết chuỗi… mà thanh niên có thể tiếp cận được.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề nghị các huyện, thị, thành đoàn phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để rà soát, hỗ trợ thanh niên vay vốn hiệu quả từ các kênh của ngân hàng.

Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh cho rằng, cần quan tâm tuyên truyền nâng cao ý thức thanh niên lập thân lập nghiệp; kết nối hỗ trợ về kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm… Việc thành lập THT, HTX sẽ dễ tiếp cận được các chính sách, cơ chế hỗ trợ hiện nay thay vì làm mô hình nhỏ. Chính vì vậy, các cấp bộ đoàn cần định hướng để thanh niên đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể.

Theo Vinh Anh – Báo Quảng Nam

https://baoquangnam.vn/thanh-nien/ho-tro-thanh-nien-phat-trien-kinh-te-tap-the-117784.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *